fbpx

Khi đi làm là một sự lựa chọn

Ai cũng ngán ngẩm rằng chạy xe đi làm mỗi ngày đúng là một quá trình mệt mỏi. Có cách nào thay đổi điều này không?

Số liệu thống kê tại Mỹ trước đại dịch cho thấy trung bình mỗi nhân viên mất hơn 27 phút để đi làm. Ở Anh, con số này hơn gấp đôi, là 60 phút.

Tôi đã lùng sục trên Google để tìm số liệu ở Việt Nam, nhưng tiếc là không có bất kỳ báo cáo nào cung cấp con số chính xác về thời gian trung bình nhân viên Việt Nam phải dành cho việc đi đến văn phòng mỗi ngày. Hầu hết bạn bè quanh tôi đều ít nhất một lần mong được “cúp” làm vì lười lái xe, và than thở về việc phải lái xe về nhà sau mỗi chiều tan tầm mệt mỏi. Trên thực tế, 25% thế hệ Z ở Việt Nam nói rằng không phải di chuyển là điều họ yêu thích nhất khi được làm việc tại nhà. (Theo Báo cáo Gen Z & The Workplace in Vietnam của Dreamplex và Decision Lab vào năm 2021).

Đi làm không phải là một sự lựa chọn

Tôi đã dành ít nhất 2 giờ / ngày để đi làm trong vài năm qua. Phải chịu thôi nếu bạn sống ở các quận xa. (Chúc mừng những ai may mắn có nhà ở trung tâm thành phố nhé!) Trong quãng thời gian đó, tôi đã thử một số cách sau đây để thời gian lái xe trở nên có giá trị hơn:

  • Lên lịch trình di chuyển, tuyến đường nhanh nhất, ít đèn đỏ, tiện đường mua cà phê. Tin tôi đi, không gì bực dọc hơn phải quành đi quành lại trên một con đường vào tờ mờ sáng.
  • Thưởng thức những bài hát mới.
  • Nạp kiến thức thông qua podcast, sách nói, hoặc báo nói.
  • Chế độ tự động lái của cơ thể như thời gian thiền hoặc tập trung luồng suy nghĩ của tôi.

Mặc dù vẫn luôn cố giữ thái độ lạc quan và tận dụng thời gian đi lại, không thể phủ nhận đây là khoảng thời gian tôi thấy bất mãn nhất trong ngày. Cột sống tôi cũng lên tiếng!

Thời gian di chuyển là thời gian chết. Bạn không làm được gì ngoài việc tiếp thu thụ động. Khoan, vậy còn đi phương tiện công cộng thì sao?

Ngay cả khi bạn nỗ lực tiết kiệm năng lượng cho bản thân và môi trường, đợi xe và ngồi trên xe buýt để di chuyển trong thành phố thường tốn ít nhất gấp đôi thời gian so với việc tự chạy xe máy. Chưa kể bạn có thể sẽ cần di chuyển đâu đó trong ngày, đi ăn, gặp đối tác hay đổi địa điểm làm việc. Xe máy là lựa chọn tối ưu hơn hẳn ở các thành phố như thế này.

Về sức khoẻ, bạn có thể dễ dàng mắc phải triệu chứng đau lưng và mỏi khớp khi ngồi xe máy quá lâu. Nhích từng chút một lên cầu hay chen chúc trong đám đông kẹt xe đầy khói bụi và tiếng còi quả là cơn ác mộng thành thị. Trong trường hợp này, nhiều người lựa chọn đi sớm về trễ hơn một chút, nghĩa là họ phải tốn thêm thời gian không vì mục đích gì cả. Chỉ thị giãn cách xã hội khiến ít phương tiện lưu thông trên đường hơn, liệu đây có phải là một lợi ích từ đại dịch không?

Không phải ai cũng có điều kiện sống gần chỗ làm, hoặc lựa chọn nơi làm việc gần nhà. Tạp chí Harvard Business Review đã đăng tải một vài bài viết về “thiên kiến di chuyển” (tiếng Anh: commuter’s bias), để đề cập đến một bẫy mà người dân thành thị thường mắc phải liên quan đến việc đi lại. Khi đứng trước các lựa chọn công việc, nhiều người tin rằng họ có thể di chuyển xa hơn để đổi lại mức lương cao hơn hoặc sống trong căn hộ rộng rãi hơn nhưng xa trung tâm. Họ thường đánh giá thấp bất lợi của việc tốn thời gian, công sức và tiền bạc cho việc di chuyển đến chỗ làm – chi phí cơ hội cho một cuộc sống khoẻ mạnh và an yên hơn.

Khi đi làm trở thành một lựa chọn

Liệu công việc có duy trì ở mức hiệu quả như cũ không?

Đại dịch đã chứng minh rằng hầu hết mọi ngành nghề đều có thể chuyển đổi trực tuyến. Bạn đã bao giờ thấy bác sĩ khám và kê đơn cho bệnh nhân qua điện thoại chưa?

Mô hình kết hợp (tiếng Anh: Hybrid work) là tương lai của công việc, và cũng là chìa khoá cho vấn đề di chuyển hằng ngày.

Nó cho phép nhân viên tự do lựa chọn thời gian và địa điểm phù hợp nhất để làm việc tuỳ theo mỗi người. Họ có thể làm tại nhà, tại quán cà phê, hay tại chi nhánh văn phòng gần nhất. (Nếu công ty của bạn đủ lớn để có nhiều trụ sở tại các khu vực khác nhau, hoặc đặt trụ sở tại một văn phòng chia sẻ và được sử dụng tất cả các chi nhánh phụ khác đang là xu hướng hiện nay.)

Nhiều báo cáo được đưa ra để chứng minh hiệu quả và năng suất của nhân viên tăng lên khi họ được phép làm việc tại nhà. Không bị ức chế cảm xúc bởi khói bụi và đèn đỏ, họ có thể bắt đầu ngày làm việc sớm hơn (và kết thúc sớm hơn). Nếu không, họ có thể sử dụng thời gian tiết kiệm để ngủ nhiều hơn mỗi sáng hoặc đầu tư cho sở thích cá nhân. Hai giờ mỗi ngày của tôi, 460 giờ mỗi năm, có thể đổi thành rất nhiều thời gian rảnh rỗi dành cho các công việc yêu thích hoặc chăm sóc bản thân. Điều này làm tôi hạnh phúc và thư giãn hơn rất nhiều!

Lang thang trên Medium, tôi đọc được một trích dẫn từ tác giả AJ Jones:

“Đi lại có giá trị biểu tượng: Nó thể hiện lòng trung thành và cam kết của nhân viên đối với tổ chức. Nhưng khi được hiểu rõ vấn đề cốt lõi, việc đi lại không hơn gì sự hy sinh của một nhân viên để đáp ứng các điều kiện công việc.”

Làm sao chúng ta giúp nhân viên đến văn phòng một cách tự nguyện và tận hưởng các tiện ích được cung cấp?

Chương trình chăm sóc trải nghiệm nhân viên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngay cả những thiết kế đẹp nhất cũng trở nên nhàm chán sau một khoảng thời gian. Điều đọng lại trong tâm trí là cảm giác mà văn phòng đó mang lại. Được hỗ trợ nhiệt tình. Thoải mái. Gắn kết. Chỉ một vài tính từ mô tả cảm giác đơn giản nhưng được cấu thành từ rất nhiều mảnh ghép khác nhau, hướng đến mục đích thay đổi quan niệm về việc đi làm, từ một hành trình bắt buộc trở thành đặc quyền của công việc. Chỉ khi đó, thời gian tại văn phòng mới có đáng giá hơn so với thời gian phải bỏ ra cho việc di chuyển.

Cuối cùng thì, sự hy sinh hay niềm vinh dự phụ thuộc vào định nghĩa của mỗi người. Mô hình làm việc kết hợp đi kèm với trải nghiệm văn phòng tuyệt vời sẵn sàng thách thức định nghĩa đó. Bạn có nghĩ giống tôi không?

Nơi làm việc tốt giúp thu hút, gắn kết, và giữ chân nhân tài. Dreamplex cung cấp không chỉ văn phòng mà còn trải nghiệm nhân viên nhằm tạo ra không gian làm việc tốt hơn cho hàng triệu nhân viên tại Việt Nam.

Truc Nguyen

CHÚNG TÔI TẠO NÊN MỘT NGÀY LÀM VIỆC HỨNG KHỞI.

Tìm hiểu thêm làm thế nào để giúp đội ngũ của bạn gắn kết hơn, hợp tác tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn.